Quán Huế ngon bên hông chợ Tân Định
Quán Huế ngon bên hông chợ Tân Định
21/02/2014 8:28
 
Bánh canh Nam Phổ với màu đỏ đặc trưng
Đi ăn đồ Huế dường như được mặc định là "ăn nhiều", đồng nghĩa với việc bạn phải gọi rất nhiều món (và tất nhiên đi từ 2 người trở lên sẽ có dịp thưởng thức nhiều hơn) . Nó cũng khác biệt so với việc chỉ ăn một tô phở, hủ tiếu hay dĩa cơm tấm ở một góc nhỏ nào đó của Sài Gòn. Ăn món Huế là phải chậm, nhẩn nha một chút, mới thấy hết cái ngon, của vị tinh túy mà người nấu muốn gửi gắm.
Mở đầu thường là những món bánh Huế thân thuộc như bánh bèo, bánh nậm, bột lọc nhân tôm, bánh ướt tôm chấy... ăn kèm với nem và chả. Để chắc bụng hơn thì gọi thêm bánh ướt thịt nướng hay hến xúc bánh tráng. "Đoạn cuối" thường là một tô bún bò, bánh canh, nhẹ hơn có thể là một tô bún mắm nêm chẳng hạn. Nhiều vậy nhưng lại chẳng thấy no hay ngán. Mà cứ thòm thèm, tuần sau lại í ới đi ăn tiếp.

Dĩa bánh Huế thập cẩm hấp dẫn

Nem chua nướng ăn kèm tuyệt ngon
Nếu như ngã tư Bảy Hiền ở Tân Bình được biết đến là khu vực tập trung nhiều người Trung (Quảng Nam - Đà Nẵng) nhất Sài Gòn, hay khu sân bay là người Bắc, thì dường như chưa có khu nào "chính danh" là của người Huế. Món Huế cũng vậy, tản ra mọi ngóc ngách của Sài Gòn chứ cũng không tập trung vào một khu vực nhất định nào cả. Duy nhất 2 khu chợ Bến Thành và Tân Định (cùng ở quận 01) là có nhiều quán Huế nằm cạnh nhau, dù cho hương vị cũng thay đổi ít nhiều để chiều lòng người Sài Gòn.
Món Huế thoạt nhìn đơn giản nhưng rất cầu kỳ trong chế biến. Đơn cử như bánh canh Nam Phổ với màu đỏ đặc trưng được làm từ những mẻ tôm tươi cùng thịt heo ba chỉ vừa nạc nhưng mỡ phải dày. Tôm mua về làm sạch, đem xay nhỏ cùng với thịt ba chỉ rồi trộn với một ít bột hạt điều để tạo màu. Sau đó sẽ vo viên rồi đem nấu chung với nước hầm xương trong lửa liu riu (cách này sẽ giúp tôm ra nhiều nước ngọt). Nồi bánh canh thành phẩm sẽ có màu đỏ tươi cùng độ sệt đặc trưng. Ở Huế có rất nhiều cách ăn bánh canh, nhưng kiểu chế biến như người làng Nam Phổ (huyện Phú Vang, Huế) này dường như chỉ có một.

Bánh ướt cuốn thịt nướng

Hến xào xúc bánh tráng

Bún heo quay mắm nêm
Bánh ướt cuốn thịt nướng cũng là một món ăn thú vị của ẩm thực Huế. Món này gắn liền với địa danh Kim Long nằm ở phía Tây thành phố Huế, bên phía bờ Bắc của sông Hương, rất nổi tiếng vì có nhiều nhà vườn đẹp. Nhiều người biết đến địa danh này qua hai câu ca dao:
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi
Đây là một món ngon vừa dân giã, lại vừa tỉ mẩn đúng kiểu ẩm thực Huế. Nguyên liệu của bánh ướt thịt nướng hoàn toàn không khó tìm, nhưng cách làm lại đòi hỏi sự khéo tay của người chế biến. Chỉ đơn giản với bánh ướt, thịt heo và rau thơm, vậy mà cái vị ngọt tổng hòa đó khi kết hợp với chén tương pha thêm chút ớt mới quyến rũ làm sao! Bình dân nhưng cũng không kém phần tinh tế, có lẽ đó cũng là bản sắc của ẩm thực Huế.
Còn phải nhắc đến dĩa bánh thập cẩm gồm bánh bèo, nậm, lọc, bánh ướt tôm chấy cùng miếng nem chua nướng hấp dẫn, dĩa hến xúc bánh tráng, hay tô bún mắm nêm quyến rũ kia nữa. Ăn nhiều nhưng vẫn thấy thòm thèm, lại muốn ghé qua một lần nữa.

Con đường nhỏ Nguyễn Hữu Cầu bên hông chợ Tân Định tập trung khá nhiều quán Huế nổi tiếng. Những quán ăn mang đúng bản sắc Huế, giá cả bình dân nhưng tinh tế và chăm chút trong từng hương vị, là điểm đến quen thuộc của người Sài Gòn từ nhiều năm nay. 
Tân Nhân
 
Quán Huế O Xuân
22A - 22B Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, quận 01
Mở cửa: từ 6h30 sáng đến 9h30 tối
Giá bán: Bánh canh Nam Phổ (28.000đ/tô), bánh Huế thập cẩm (32.000đ/dĩa), bánh cuốn thịt nướng (6.000đ/cuốn), bún heo quay mắm nêm (35.000đ/tô), hến xúc bánh tráng (25.000đ/dĩa)
Lượt xem: 1.729
Đang xử lý...